Canada, Du học, Tin tức

Hành trình trở thành thực tập sinh Google tại Canada của bạn trẻ bắt đầu từ Level 1 ESL

Du học Canada chuẩn bị những gì? Đâu là con đường đúng đắn cho bạn?
Liệu có phải chỉ cần đặt chân đến Canada thì “thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng”?
Có lẽ du học Canada chính là bước đầu tiên để chạm đến ước mơ, nhưng để ước mơ thành hiện thực, bạn sẽ phải biết lựa chọn, biết đánh đổi và hơn hết là biết mình đang ở đâu, mình nên làm gì? OiC mong rằng bạn sẽ không cho rằng du học sẽ là con đường toàn màu hồng, luôn luôn thuận lợi, vì thực tế con đường ấy sẽ là 7 sắc cầu vồng, có màu rực rỡ thì cũng có màu ảm đạm, nhưng đi qua cầu vồng sẽ là trời quang mây tạnh.
Hãy cùng OiC đọc về con đường của một bạn du học sinh sinh năm 2001, từ một bạn trẻ tiếng Anh bị xếp vào lớp level 1 đã trở thành thực tập sinh của Google như thế nào nhé!
13 tuổi – mình cùng gia đình di chuyển qua Canada, đất nước lá phong tuyệt vời trong tâm trạng cực kỳ phấn khởi và bất cần đời, để lại mọi thứ sau lưng ở Việt Nam!
Những ngày đầu ở đây, mình vẫn còn lơ lửng trên mây tận hưởng cuộc sống mới với quá nhiều thứ để khám phá. Xoá cả tài khoản facebook ngàn like để quyết tâm “đổi đời” và thậm chí còn mạnh miệng phán một câu xanh rờn với bố mẹ: “Con sẽ không về Việt Nam nữa, ở đây thích hơn nhiều”. Ngày đó vẫn còn Skype và rảnh rỗi nên ngày nào cũng gọi cho tụi bạn thân hứa hẹn với nhau đủ thứ trên trời dưới đất, lúc đó mình đã thật tự hào lẫn tự tin rằng không có bất cứ thứ gì có thể chia tách tụi mình hết. Thái độ cực kỳ nhởn nhơ của mình đã tồn tại cho đến khi bị cuộc sống “đá mông” trở về thực tại.
Câu chuyện số 1: Chuyện học tiếng Anh – 2 năm đầu
Hồi đó qua đây mình không đem một chữ tiếng Anh, vì một lý do rất chính đáng nhưng cũng rất… củ chuối: bố mẹ cho anh hai học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ có tiếng trong thành phố từ bé, nhưng tới lúc mình học thì nhà… hết tiền. Nhưng với tư duy “ông trời thương kẻ cù lần”, mình đã qua Canada với tâm trạng cực kỳ tự tin là sẽ học và bắt kịp nhanh thôi. Đặt luôn cả cái mục tiêu cực oách là sẽ hoà nhập với mọi thứ trong 3 tháng.
Nhưng đời không như là mơ.
Trong 2 năm đầu ở đây mình đã gặp muôn vàn khó khăn trong việc hoà nhập. Từ một đứa nói siêu siêu nhiều và hướng ngoại, mình đã dần thu mình lại và trở thành hướng nội trong thời gian này. Khi biết được mình bị xếp vào level 1 của ESL (English as a Second Language) program trong trường sau bài kiểm tra đầu năm và phải học lại bảng chữ cái ABC lại từ đầu, mình đã bật khóc nức nở trong phòng giáo vụ suốt nửa tiếng vì lần đầu tiên cảm nhận rõ sự vô dụng của bản thân đến vậy.
Cảm giác mình nói mà người khác không hiểu, và người khác nói mình cũng không hiểu nó vô cùng bất lực. Nhất là môi trường phổ thông lại khá phức tạp: khi những người bạn cùng lứa không hiểu được mình, mình bị quy cho cái mác lập dị. Lần đầu tiên nhận biết mình bị ai đó nói xấu sau lưng đã làm mình sốc tận một tháng. Cái niềm tin vững chắc “khi bạn đối tốt với ai đó thì họ sẽ chắc chắn đối tốt lại với bạn” đã nhanh chóng sụp đổ; và kể từ đó việc bị cô lập lẫn bắt nạt đã làm mình “mặt dày” lên.
Có thời điểm rất nhiều thứ xảy đến cùng một lúc – áp lực lớn từ gia đình qua nhiều cuộc cãi vã và bất đồng ý kiến, mình bị tuột lại đằng sau trong lớp học, nhóm bạn ở Việt Nam bất ngờ ngừng liên lạc, mất định hướng trong cuộc sống… đã làm mình rất nản và muốn biến mất ngay lập tức.
Có thể nói những trải nghiệm khó khăn này đã làm mình trưởng thành hơn rất nhiều so với bạn bè cùng lứa.
Nhưng khoảng thời gian lặng cho riêng bản thân đã giúp mình quan sát rõ hơn con người và xã hội xung quanh, xây dựng chắc chắn thói quen đọc sách lẫn cần cù thu thập kiến thức, và tập trung vào việc học nhiều hơn. Và mình dần tìm ra được những người bạn cực “đỉnh” mà không hề ngờ tới trước đó: Giáo viên. Họ đã chia sẻ với mình rất nhiều những bài học quý giá và kinh nghiệm sống mà có lẽ sẽ mất rất nhiều lỗi lầm và vấp ngã để tự nhận ra sau này. Những buổi nói chuyện kéo dài miên man sau giờ học với thầy cô đã giúp mình có thêm một kỹ năng mới: giao tiếp hiệu quả với người lớn. Qua thời gian này, mình dần xây dựng được sự tự tin qua kiến thức trong những cuốn sách, những trải nghiệm độc đáo lẫn cách nhận biết giá trị thật của bản thân.
Sau hàng tháng ngồi nghe đài và đọc sách, tiếng Anh của mình bắt đầu khá dần và cuối cùng mình đã được đặc cách nhảy hai khoá sau một năm và ra lớp tiếng Anh thường học cùng với những bạn sinh ra ở đây. Kể từ đó mình đã luôn duy trì trong top 3 của cả lớp Regular English lẫn tất cả các môn khác cho đến giờ. Mà khi học giỏi lên thì tự nhiên sẽ có đứa lần mò lại hỏi bài rồi làm quen thôi, nên từ đó việc kết bạn cũng không còn là nỗi sợ với mình nữa.
Image result for hành trình du học canada"
Câu chuyện số 2: Chuyện tìm đam mê – năm thứ 3
Có hàng triệu cuốn sách hay ngoài kia nhưng không ngờ cái đã làm đảo lộn cuộc sống của mình lại là một cái… bìa sách.
Sau khi tiếng Anh cơ bản đã vững và điểm số dần ổn định ở trường, mình đã ngây ngô giữ tư duy “Xời chuyện nhỏ, cứ học giỏi thì ra trường sẽ thành công cái một” suốt khoảng thời gian lớp 9. Cho tới một ngày mây xanh gió mát, mình đi ngang qua thư viện thành phố và đập vào mắt là một cuốn sách có tựa đề “Why Straight A’s Students Will Not Success” (tạm dịch: “Vì Sao Những Học Sinh Giỏi Sẽ Không Thành Công”).
Mình thần người ra suốt 5 phút, cái đầu bận rộn với việc tìm cách phòng thủ cho niềm tin vốn có. Hoang mang xâm chiếm vì nếu sẽ không thành công thì cố gắng trước giờ của mình để học tốt là đổ sông đổ biển sao? Vậy trường lớp thực chất là có vai trò gì trong thành công của một học sinh?
Thế là với tâm trạng lo lắng cùng hiếu kỳ, trong một phút ngẫu hứng mình đã đưa ra luôn mục tiêu cho mùa hè lên lớp 10: Trong vòng một tháng phải hoàn thành đủ 100 volunteer hours.
Đi đâu, làm gì, giờ nào, cái gì cũng được, miễn phải hoàn thành đủ chỉ tiêu! Thế là trong tháng 7 nóng bức của năm 2016, có một con bé lăng xăng chạy khắp nẻo trong thành phố, có mặt hầu hết ở các sự kiện lớn nhỏ ở bất cứ nơi đâu hay thời điểm nào. Mình đã học được siêu nhiều cái mới, và thật bất ngờ khi thế giới ngoài kia lại quá đa dạng và nhiều thử thách. Mình tìm kiếm những cơ hội qua việc chủ động tìm kiếm trên Google và có khi email luôn cho nhiều công ty, bệnh viện, tổ chức để hỏi họ có cần giúp gì không.
Có những ngày mình làm việc 16 tiếng liên tục, chạy show giữa những hoạt động và sự kiện khác nhau mà có khi hai địa điểm ở hai đầu thành phố. Một kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi mình được “phong” làm quản lý của hơn 50 cái nhà vệ sinh công cộng của một lễ hội âm nhạc mùa hè lớn nhất thành phố. Nói là quản lý chứ team có đúng 1 người thôi (ừ bạn đoán không sai đâu, còn đứa nào ngoài mình vào đây nữa) nhưng mình đã vẫn rất năng nổ làm và tự hào về công việc. Sau cùng thì có đứa nhóc 15 tuổi nào mà có cơ hội được gánh nhiều trách nhiệm thế chứ (nhất là được cho luôn cả bộ đàm và một cái xe tự động be bé để lon ton chạy khắp cả khu vực sự kiện. Thề là lúc đó mình nhìn ngầu chết đi được).
Nhưng có một điểm kỳ lạ.
Mỗi khi gặp một sinh viên đại học năm nhất, năm hai, hoặc thậm chí năm ba, mình thường hay hỏi:
– Đam mê/ước mơ của mọi người là gì? Có điều gì làm mọi người cực kỳ hứng khởi khi nói tới không?
Nhưng lần nào cũng như lần nào, mình thường xuyên nhận được câu trả lời quen thuộc:
– Uhm chưa biết nữa, cũng chưa rõ lắm. Để mốt tính. Kiểu gì cũng biết sau này mà.
– Ơ? Mọi người không phải đã trong đại học rồi à? Nếu cái mình chuyên ngành còn không thích thì làm sao mà vươn lên được bằng với những người đam mê thật sự? Mà làm vậy không phải vừa đang tốn tiền vừa tốn thời gian lẫn công sức ạ?
– Chịu thôi, hồi đó ở high school có chuẩn bị gì đâu.
Hoang mang tập 2. Mình đã không biết là cần phải chuẩn bị cho ngành nghề trong lúc còn chưa học đại học, mà nhiều người lại mắc sai lầm này nữa chứ. Kết thúc mùa hè tuyệt vời đầy hương vị với 147 volunteer hours, mình vào lớp 10 với một mục tiêu duy nhất trong đầu: trong năm nay phải tìm ra đam mê của bản thân rốt cuộc là cái chi (vì nếu đã chứng kiến mà vẫn lặp lại lịch sử thì rõ ngu còn gì).
Trước hết mình đã lần mò trên mạng một thời gian để nhận biết rõ 3 yếu tố cần có nếu muốn thành công tìm một đam mê:
– Bạn giỏi gì
– Bạn thích gì
– Xã hội cần gì
Từ đây, mình đã không ngừng tìm kiếm cho đến khi gặp được điểm gặp nhau của cả 3 yếu tố này.
Trường phổ thông bên Canada cũng không chuẩn bị gì nhiều cho học sinh, nhưng được cái đưa ra rất nhiều khoá học phụ đa dạng và hữu ích (thường được gọi là electives). Mình đã lợi dụng cơ hội này và trong 8 khoá ở lớp thì mình chọn hết 5 khoá là electives. Tụi bạn bảo không ai điên như mình hết, “Học hành kiểu này Đại học tính sao hả nhỏ?”. Nhưng với thái độ kiên quyết, mình đã “bung lụa” chọn thoải mái những gì mình cảm thấy hứng thú:
– Khoá Drafting and Design được học về AutoCAD để tìm hiểu Architecture (Kiến trúc)
– Khoá Electronics lắp ráp robots để hiểu thêm về Engineering (Cơ khí)
– Khoá Programming lập trình phần mềm để đào sâu vào Computer Science (Khoa học máy tính)
– Khoá Choir hát hò cùng dàn đồng ca của trường để tìm hiểu Music ( m nhạc)
– Khoá Drawing & Painting vẽ vời lung tung để cảm nhận sâu sắc hơn về Arts (Hội hoạ)
Ngoài ra sau giờ học, mình đi cực nhiều những sự kiện giao lưu và tìm hiểu thông tin về đủ loại ngành nghề và trường đại học khác nhau để “tác nghiệp” – phỏng vấn những người chuyên môn lâu năm về đời sống đi làm cũng như những kinh nghiệm quý báu lẫn động lực đằng sau đam mê của họ. Bên Canada con người rất thân thiện và thích chia sẻ câu chuyện của bản thân, miễn là bạn chịu hỏi và thành tâm lắng nghe, và tất nhiên là đồng thời chia sẻ lại.
Trong thời gian rảnh, mình thường lên EdX, Coursera, hoặc Udemy để học những khoá online sâu hơn về chủ đề mà mình hứng thú. Sau 1 năm tung hoành, mình đã tìm hiểu qua hơn 80 lĩnh vực khác nhau như Healthcare (Chăm sóc sức khoẻ), Law (Luật), Agriculture (Nông nghiệp), Education (Giáo dục), Logistics (Hậu cần), Finance (Tài chính), Business (Kinh doanh), Politics (Chính trị), và rất nhiều ngành nghề siêu hay ho khác. Có khi mình đổ cái rầm trước sự sâu sắc của Psychology (Tâm lý học), lúc khác thì lại mê mẩn bởi những màu sắc rực rỡ trong Graphics Design (Thiết kế đồ hoạ). Mỗi khi đi qua một lĩnh vực, mình lại mua một cuốn sổ nho nhỏ để lưu trữ kiến thức học được và nếu có hứng sẽ làm luôn một cái project cho mục đích học tập.
Cuối cùng, hành trình dừng lại khi mình nhận ra đam mê dành cho Software Engineering và muốn theo đuổi ước mơ lập nghiệp từ những ý tưởng đã được ấp ủ từ lâu.
Nguồn: Sách “Du học ký: Vạn dặm có chi?”

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *